Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

"Chuyện tình" của người Việt với Honda Cub

Thứ hai, 28/1/2013, 05:01 GMT+7

Nhắc đến những chiếc Cub 50 hay 70 ngày nào, nhiều người bồi hồi nhớ lại ngày đầu rước “em nó” về cùng giá tiền tính bằng cây vàng với độ bền luôn được tôn vinh là vô địch.

Honda Cub thực sự là ngôi sao bởi mỗi khi được nhắc tới, thường luôn là những cảm xúc gắn bó thân thiết và độ bền bỉ hàng đầu. Từ mẫu 50 phân khối cho đến 90 phân khối, vẫn là huyền thoại đối với người dùng xe máy tại Việt Nam.

Honda Cub đến Việt Nam vào giữa những năm 1980, với giá trị được tính bằng cây vàng hoặc vài nghìn đô thời đó. Xe gắn bó với rất nhiều tầng lớp người sử dụng xe máy tại Việt Nam và với nhiều người, phương tiện này giống như một thứ kỷ vật khó thay thế.

Một chiếc Honda Super Cub 70 đời 1972. Ảnh: Wiki.

Độc giả Bùi Thanh Vân chia sẻ: “Ba tôi có con xe Cub 89-90. Màu xanh coban. Xe còn đẹp long lanh. Chạy rất tốt. Tiết kiệm nhiên liệu. Nhập second-hand từ Nhật về năm 1997. Đầu máy chưa bung. Vành xe và vỏ phanh, vỏ dây gas còn nguyên chữ 10/1990. Ở VN ta, người ta hay chuộng xe 70 phân khối hơn. Giá cả cũng mắc hơn xe 90 phân khối. Nhưng tôi thấy xe của ba tôi còn rất tốt. Rất đẹp. Nhiều người rất thích và hỏi mua nhưng ba tôi cứ để chạy, nhất quyết không bán”.

Cùng chia sẻ là độc giả Quốc Anh: “Hè năm 1994 mình cùng bố mua một chiếc Cub 89 dung tích 70 phân khối màu xanh coban trên phố Tây Sơn, Hà Nội, đối diện gò Đống Đa, giá khoảng 24 triệu đồng. Tính đến nay 18 năm rồi mà máy vẫn êm lắm, bây giờ bố mình không sử dụng nữa. Mình có tính hoài cổ nên rất thích nó, thỉnh thoảng lau chùi bảo dưỡng trông long lanh lắm. Vừa rồi mình chế yên liền kiểu của xe DD, thỉnh thoảng mang ra dạo phố hóng mát, chạy trên đường nhiều người trầm trồ vì độ giữ xe cẩn thận đến tận bây giờ, những lúc như thế thật là mãn nguyện”.

Với giá bán khoảng 3 cây vàng vào những năm 1980, có chiếc Honda 50 phân khối thậm chí chưa từng một lần hỏng dọc đường sau gần 30 năm phục vụ chủ xe. Màu sơn cũng vẫn nguyên như mới với người bảo quản tốt và biết giữ gìn. Đến năm 1996, độc giả Trọng Công cho biết mua một chiếc nhập nguyên xe có giá 2.400 USD. Còn một chiếc nhập từ Thái đời 1997 giá 33 triệu đồng theo như độc giả Hùng Cường, và xe chỉ phải thay lốp trước sau 11 năm với trung bình mỗi ngày chạy 30 km.

Honda Cub là kỷ vật với nhiều người bởi nó có thể là phần thưởng hay là món quà do người thân để lại. “Hồi đó được ông ngoại để lại chiếc Cup 86 ‘kim vàng giọt lệ’ nguyên thùng thích ghê. Gắn bó với tôi từ hồi còn nhỏ tới thời sinh viên và tận bậy giờ. Chiếc này chạy bền thật, chạy đã 20 năm mà chẳng hư hao gì mà ít hao xăng nữa chứ. Em này tôi giữ kỹ lắm nên nước sơn thì còn nguyên màu xanh chuối, khung sườn chưa bị mục.

Bây giờ thì để trùm mền trong nhà nhưng đi ra đường hay ai ghé nhà chơi cũng thích xe này và hỏi mua. Vui ghê vì giá trị của em nó nhưng tôi không bán đâu vì kỷ niệm với lại hàng hiếm mà! Nhìn lại mà thích sự bền bỉ của mấy mẫu xe cũ, còn xe mới bây giờ công nhận mẫu mã đẹp nhưng bị xuống cấp nhanh quá”, Đào Nhân.

Honda Super Cub 70 trên đường phố ở Việt Nam. Ảnh: Đức Quang.

Cùng dòng cảm xúc là độc giả Dung Doan: “Phần thưởng đỗ vào lớp 10 của trường Bùi Thị Xuân của tôi, bây giờ em í vẫn còn ở nhà. Nghe bảo hồi đấy mua hơn 5 cây vàng, xe tôi tem chìm, mua ngoài khu Gia Long”.

Cũng vì những giá trị đặc biệt mà các mẫu Honda Cub vẫn còn hiện diện trong nhiều gia đình Việt. Độc giả Binhav cho biết: “Tôi là một trong số những người hâm mộ xe Cub của Honda. Dù có ôtô, có xe máy mới, nhưng vẫn còn 2 chiếc Cub. Một Honda Cub 81, 50 phân khối ‘kim vàng giọt lệ’ màu ghi xám và đặc biệt là Cub 82 xanh tím, đăng ký tháng 8/1998 biển ’29H 0289′. Bố tôi trước kia sử dụng hơn 2 vạn km, 2 lốp Inou vẫn zin theo xe. Đọc bài Ngôi sao…một thời, tôi càng ý thức hơn việc giữ gìn 2 chiếc cub này. Mong sao có ai đó lập câu lạc bộ xe Cub 81 để có dịp giao lưu”.

Độc giả VnExpress còn chia sẻ những hiểu biết về dòng sản phẩm ăn khách của Honda như kinh nghiệm của độc giả Phan Van Ty:

“Honda sản xuất dòng Cub có đặc điểm là côn (bộ ly – hợp) tự dộng. Ở thị trường Việt Nam phổ biến 2 loại máy có dung tích lòng máy là 50 cc (thực tế là 49 cc) và 70 cc (thực tế là 69 cc) thường được gọi chung là Cub 50 và Cub 70. Trước năm 1982 trở về trước, đèn trước của tất các đời Cub đều là đèn “tròn” (dame trước năm 75, Cub 78, Cub “cánh én” 79, Cub 80, Cub 81).

Năm 1982 lần đầu tiên Honda giới thiện dòng Cub 82 với đèn trước hình chữ nhật, vè trước và sau đều làm bằng nhựa và góc cạnh chứ không bo tròn như Cub 81 trở về trước (dù Honda vẫn sản xuất các dòng đèn tròn chẳng hạn như Cub 86 sau năm 82). Điều mà tôi muốn trao đổi với các bạn ở đây là giữa Cub đèn tròn và Cub đèn vuông, ngoài hình thức bên ngoài thì chúng có đặc điểm gì riêng?

Năm 82 của thế kỷ trước lọt vào thời kỳ khủng hoảng nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ) nên Honda cho ra đời dòng “Economy” tức là dòng “tiết kiệm nhiên liệu”, tiên phong là Cub 82 đèn vuông, ngay sau đó là “niềm mơ ước” của mọi người Việt Nam “đi xe đạp mang dép Lào” thời ấy: Cub 70 đỏ!

Tên này để chỉ dòng máy 70 phân khối của nó chứ không phải là năm sản xuất. Bởi thế dạo đó giới chơi xe người ta thường gọi Cub đèn vuông là “con Ê cô nô”. Các bạn chơi xe Cub chú ý 2 diểm sau:

1. Nếu là Cub 50 thì đèn tròn có 3 số (Gear) còn đèn vuông là 4 số. Điều này giải thích tại sao dân TP HCM lại thích Cub 50 đời 81 hơn là Cub50 đời 82 vì đi trong thành phố loại 3 số cơ động hơn.

2. Từ Cub 70 trở lên (như Cub 90) thì đèn tròn hay đèn vuông đều là 3 số cả!

Thêm ảnh Honda Cub 50 đời mới

Minh Thủy


"Chuyện tình" của người Việt với Honda Cub

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét